Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh các mẹ cần biết

Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh các mẹ cần biết

Những điều cần biết về lịch tiêm phòng cho trẻ năm 2017 sẽ được cập nhật đầy đủ trong bài viết này, các mẹ theo dõi để đưa con đi chích ngừa đầy đủ nhé!

Trẻ mới sinh

Trẻ mới sinh cần 2 mũi tiêm quan trọng là vắc xin lao và viêm gan B. Hai loại vắc xin này cần được tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh. Đối với vắc xin phòng lao không tiêm quá muộn khi trẻ quá 1 tháng tuổi. Còn vắc xin viêm gan B tiêm tốt nhất 24h sau khi sinh.

Đối với những mẹ có nhiễm virus viêm gan B (HBsAg dương tính) thì trẻ cần tiêm thêm kháng huyết thanh viêm gan B trong khoảng 12 giờ sau khi sinh.

Trẻ 2 tháng tuổi

Cần được tiêm phòng: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B mũi 2 và các bệnh nhiễm trùng gây ra bới vi khuẩn Hib, đặc biệt là viêm màng não, viêm phổi. Hiên nay, bên cạnh các vắc xin riêng lẻ phòng từng bệnh, mẹ có thể chọn loại vắc xin kết hợp phòng tất cả các bệnh trên để giảm số lần tiêm cho trẻ. Đó là các vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.

– Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem được sử dụng chính chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B mũi 2 và nhiễm khuẩn do Hib. Loại vắc xin này thì chưa phòng được bệnh bại liệt nên trẻ cần uống thêm vắc xin ngừa bại liệt.

– Loại vắc xin 5 trong 1 thứ 2 là Pentaxim,: Đây là loại vắc xin dịch vụ được sản xuất tại Pháp do Việt Nam nhập khẩu. Vắc xin này phòng được các bệnh: bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván và phòng nhiễm khuẩn do Hib. Nếu tiêm loại này, bé cần tiêm thêm vắc xin ngừa viêm gan B mũi 2.

– Loại vắc xin 6 trong 1 là Infanrix Hexac do Bỉ sản xuất có tác dụng phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Hib. Với loại vắc xin này thì bé chỉ cần tiêm một mũi mà không cần thêm một loại vắc xin nào khác.

Bên cạnh vắc xin chính trên, khi trẻ 2 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ uống thêm vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus gây ra. Loại vắc xin này chỉ có tác dụng với trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi, nó gồm 2 liều, mỗi liều trẻ cần uống cách nhau tối thiểu 4 tuần.

Trẻ 3 tháng tuổi

Với bé 3 tháng tuổi, mẹ vẫn tiếp tục tiêm phòng cho trẻ những mũi tiêm ở tháng thứ 2 theo đúng loại vắc xin mà mẹ đã chọn: Quinvaxem hay Pentaxim hoặc Infanrix Hexac.

Trẻ 4 tháng tuổi

Bé 4 tháng tuổi cần tiếp tục được tiêm phòng mũi thứ 3 các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, nhiễm khuẩn do Hib mà trẻ đã được tiêm mũi 1 vào tháng thứ 2.

Trẻ 6 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, mẹ nên tiêm mũi cúm cho bé để phòng tránh các chủng cúm A (H1N1, H3N2) và một chủng cúm B được khuyến cao bởi Tổ chức y tế thế giới có thể bùng phát hàng năm. Mũi cúm đầu tiên nên tiêm khi trẻ được 6 tháng tuổi và nhắc lại sau đó 1 tháng.

Trẻ 9 tháng tuổi

Là thời điểm bé cần được tiêm phòng sởi mũi 1 nếu mẹ cho bé tiêm vắc xin sởi riêng. Còn nếu mẹ muốn để bé tiêm loại vắc xin 3 trong 1 ( phòng 3 bệnh sởi, quai bị, rubella) thì hãy tiêm khi bé 12 – 15 tháng tuổi nhé. Dù tiêm loại vắc xin nào thì cũng cần tiêm đẩy đủ 2 mũi cho trẻ. Vắc xin sởi riêng cần 1 mũi nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi còn vắc xin kết hợp 3 trong 1, mũi 2 sẽ được tiêm vào lúc trẻ được 4 – 6 tuổi.

Việc tiêm phòng cho trẻ sơ sinh không hề đơn giản phải không mẹ? Tuy nhiên, mẹ có thể yên tâm khi mỗi bé đều sẽ có một quyển sổ ghi rõ lịch tiêm chủng. Bên cạnh đó, mẹ nên lưu bảng tóm tắt lịch tiêm chủng sau đây để không bỏ sót mũi tiêm nào của bé nhé:

STT Độ tuổi của trẻ Mũi tiêm cần thiết
1 Trẻ 1 tháng tuổi – Vắc xin phòng bệnh lao

– Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh

– Kháng huyết thanh Viêm gan B (đối với mẹ nhiếm virus viêm gan B)

2 Trẻ 2 tháng tuổi Vắc xin phòng bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B,  viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib, bại liệt
3 Trẻ 3 tháng tuổi Vắc xin phòng bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B,  viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib, bại liệt
4 Trẻ 4 tháng tuổi Vắc xin phòng bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B,  viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib, bại liệt
5 Trẻ 6 tháng tuổi Vắc xin phòng cúm

6

Trẻ 9 tháng tuổi Vắc xin phòng sởi

 

Sau tiêm phòng, bé có thể gặp những tác dụng phụ gì?

Phần lớn các bé sau khi được tiêm phòng sẽ có dấu hiệu sốt nhẹ, sưng tấy tại vị trí tiêm. Đây là triệu chứng bình thường, không quá đáng ngại. Sau khoảng 6-8 tiếng, các triệu chứng này sẽ giảm và mất dần sau tối đa 2 ngày. Nếu tiếp tục kéo dài với mức độ nặng hơn, mẹ nên cho bé đi bệnh viện để được thăm khám. Việc xát chanh, khoai tây lên vết tiêm theo kinh nghiệm dân gian có thể làm cho vết sưng tấy từ chỗ vô hại trở nên nguy hiểm nếu nhiễm trùng. Thay vào đó, để giảm sưng, mẹ có thể chườm đá cho bé.

Nếu bé bị sốt, cần uống thuốc hạ sốt theo chỉ định hoặc theo số tuổi, số ký của bé. Không nên hạ sốt cho bé bằng các loại thuốc có thành phần aspirin hoặc axit salicylic. Cả 2 thành phần này nếu kết hợp với một số thành phần có trong vắc-xin có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng. Khi thấy bé có dấu hiệu bất thường kèm theo sốt như sùi bọt mép, co giật, tím tái, đau đầu… nên cho bé đến bệnh viện ngay.

Để đảm bảo an toàn cho bé trước khi đi tiêm phòng, bố mẹ cần nhớ những việc cần làm sau đây:

– Không để bé quá đói hoặc ăn quá no trước khi tiêm

– Giữ vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ để tránh nhiễm trùng

– Khai rõ tiền sử bệnh của bé trong tờ điều tra bệnh sử trước khi tiêm

– Đối với các loại vắc-xin sống như lao, sởi, thủy đậu… nên tiêm phòng cách nhau ít nhất 4 tuần.

Give a Comment