Bài thuốc trị táo bón sau khi sinh đẻ hiệu quả

Bài thuốc trị táo bón sau khi sinh đẻ hiệu quả

Đa phần các sản phụ đều sợ phải đối mặt với triệu chứng “Táo bón sau sinh” bởi táo bón kéo dài sẽ dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng như trĩ, sa trực tràng, sa dạ con, … gây nhiều phiền toái cho công việc và sinh hoạt.

Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia y tế cho rằng chủ yếu do chức năng tiêu hóa bị giảm đi, dạ dày co bóp yếu, thức ăn bị đọng lại trong thời gian dài. Thêm nữa là sau khi sinh, vùng cơ xương chậu bị tổn thương ít nhiều nên cung cấp lực co bóp không đủ. Đồng thời, chế độ ăn uống của bà bầu thường có nhiều chất dinh dưỡng mà thiếu các chất xơ.

Một nguyên nhân nữa là một số chị em do sợ đau hoặc đi lại khó khăn nên có thói quen đi vệ sinh bằng bô chuyên dụng ngay trên giường trong thời gian đầu sau khi sinh cũng góp phần “tiếp tay” cho hiện tượng táo bón.

Bệnh táo bón sau đẻ nếu không chữa trị kịp thời, chị em có thể sẽ bị bệnh trĩ, rách hậu môn, thậm chí sa tử cung… Sau đây là một số món ăn, nước uống giúp vừa đảm bảo dinh dưỡng lại chữa được chứng bệnh này để chị em tham khảo.

Bài 1: Gà hấp khoai tây: gà 1 con nhỏ (300g), khoai tây 100g, nghệ đen 10g, cà rốt 50g, gừng tươi 3g, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Khoai tây bỏ vỏ rửa sạch. Cà rốt, gừng, nghệ đen đều mài nhỏ, trộn đều với bột ngọt, bột gia vị. Gà làm sạch, mổ moi bỏ nội tạng, chân, đầu. Cho khoai lang, cà rốt, nghệ, gừng vào bụng gà khâu kín, đem hấp cách thủy. Khi gà chín, cho sản phụ ăn nóng lúc đói, ngày ăn 1 lần. Cần ăn liền 3 – 5 ngày.

Bài 2: Gà hấp táo tàu: gà 1 con nhỏ (300g), táo tàu 5 quả, vừng đen 50g, nghệ đen 10g, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Gà làm sạch mổ moi bỏ nội tạng, cho vừng đen, táo tàu, nghệ đen, bột ngọt, bột gia vị vào bụng gà khâu kín, đem hấp cách thủy. Ngày ăn 1 lần, cần ăn liền 5 ngày.

Bài 3: Cháo vừng đen: vừng đen 30g, gạo tẻ 100g, gạo nếp 50g, thịt lợn nạc 100g, dầu thực vật, mắm muối vừa đủ. Vừng đen, gạo xay nhỏ. Thịt lợn nạc băm nhỏ ướp mắm muối, xào chín bằng dầu thực vật. Cho gạo, vừng đen vào nồi cùng với 250ml nước đun nhỏ lửa. Khi cháo chín, cho thịt lợn nạc vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Ngày ăn 2 lần lúc đói, cần ăn liền 3 – 5 ngày.

Bài 4: Cháo củ mài: gạo tẻ 60g rửa sạch, ngâm nước một giờ, vớt ra để ráo nước, sinh sơn dược 5g thái vụn, vừng đen 120g sao thơm, cùng cho vào chậu, thêm nước và 200ml sữa trâu (bò) tươi trộn đều, xay vụn, lọc qua cái lọc, đun sôi, từ từ đổ nước đã xay lọc vào, thêm 6g hoa hồng giã nát, quấy liên tục thành dạng hồ cho đến khi chín là được. Mỗi ngày ăn 1 bát con.

Bài 5: Chè mật ong: mật ong 30g, vừng đen 100g, gừng tươi 3g. Vừng đen, gừng giã nhỏ cho vào nồi thêm 250ml nước đun trên lửa nhỏ, khi chín, cho mật ong vào quấy đều, chè sôi lại là được. Ngày ăn 2 lần, cần ăn liền 3 – 5 ngày.

Bài 6: Chè đu đủ: đu đủ chín 300g, đường trắng 30g. Đu đủ chín bỏ vỏ và hạt, xay nhỏ, cho đường trắng vào đánh cho tan đều, đun lửa nhỏ đến khi sôi là được. Ngày ăn 1 lần lúc đói, cần ăn liền 3 ngày.

Hằng ngày, chị em nên nhẹ nhàng day xoa bụng theo chiều kim đồng hồ. Ăn nhiều các thức ăn mềm, dễ tiêu, thực phẩm có chất xơ như rau tươi, quả chín…; không nên ăn các chất quá cay nóng như ớt, hạt tiêu và không dùng các chất kích thích như cà phê, chè, rượu, thuốc lá…

Give a Comment